Trị vì Apepi_(Vương_triều_thứ_15)

Thay vì xây dựng các công trình kỷ niệm của mình, Apepi thường chiếm đoạt các công trình tưởng niệm của những vị pharaon tiền nhiệm bằng cách khắc tên của mình lên hai bức tượng nhân sư của Amenemhat II và hai bức tượng của Imyremeshaw.[11] Apepi được cho là đã chiếm đoạt ngai vàng miền Bắc Ai Cập sau cái chết của vị tiên vương của ông, Khyan, bởi vì vị vua này đã chỉ định người con trai của ông ta, Yanassi, sẽ là người thừa kế ngai vàng của mình.[12] Ông đã được kế vị bởi Khamudi, vị vua Hyksos cuối cùng. Ahmose I sau này đã đánh đuổi các vị vua Hyksos ra khỏi Ai Cập và thiết lập nên vương triều thứ 18.[11]

Vào thời đại Ramesses, Apepi được ghi chép lại là đã thờ cúng duy nhất thần Seth: "[Ông ta] lựa chọn vị chúa tể của mình là thần Seth. Ông ta không thờ cúng bất cứ vị thần nào khác trong toàn bộ vương quốc ngoài Seth." Jan Assmann lập luận rằng bởi vì người Ai Cập có thể chưa bao giờ có quan điểm về một vị thần "đơn độc" không có nhân cách, Seth vị thần sa mạc, người được thờ cúng riêng biệt, đại diện cho sự miêu tả về cái ác.[13]

Có một số cuộc thảo luận trong ngành Ai Cập học về việc liệu rằng Apepi có cai trị Thượng Ai Cập nữa hay không. Quả thực, có một vài đồ vật với tên của vị vua này nhiều khả năng là đến từ Thebes và Thượng Ai Cập. Chúng bao gồm một con dao găm với tên của vị vua được mua từ chợ nghệ thuật ở Luxor. Một chiếc rìu không rõ xuất xứ mà trên đó nhà vua được gọi là người được yêu quý của Sobek, chúa tể của Sumenu. Sumenu ngày nay được đồng nhất với Mahamid Qibli, cách Thebes khoảng 24 km về phía Nam và một mảnh vỡ của một chiếc bình đá được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Thebes. Về phần các hiện vật này, người ta cho rằng chúng đã được buôn bán tới Thượng Ai Cập.[14] Một vấn đề khó giải quyết hơn đó là một khối đá với tên của nhà vua này đã được tìm thấy ở Gebelein. Khối đá này được xem là bằng chứng cho các hoạt động xây dựng của vị vua này ở Thượng Ai Cập và do đó được coi như là bằng chứng cho thấy rằng người Hyksos cũng đã cai trị Thượng Ai Cập. Tuy nhiên, khối đá này lại không quá lớn và ngày nay nhiều học giả lập luận rằng nó có thể đã được đưa đến Gebelein sau khi kinh đô của người Hyksos bị cướp phá và không phải là bằng chứng cho một triều đại của người Hyksos ở Thượng Ai Cập.[15]